Phong thủy Môn, Chủ, Táo - Xưa và nay
Trong Phong thủy học, ba yếu tố là Môn - Chủ - Táo luôn là yếu tố đặc biệt cần coi trọng. Những yếu tố này đều dựa vào và coi đó là yếu tố then chốt để luận đoán cát hung trong một căn nhà, hay một đối tuợng xem xét của Khoa học Phong thủy. Trong kiến trúc hiện đại, Môn - Chủ - Táo đã có nhiều thay đổi khác trước. Vì vậy mà những quan niệm về Môn - Chủ - Táo trong Phong thủy xưa cũng nên nhìn nhận thấu đáo hơn trước khi ứng dụng cụ thể vào thực tiễn cuộc sống.
Môn - Cửa chính
Khí là một khái niệm đặc thù trong khoa Phong thủy hay những bộ môn khác của nền Văn hóa Phương đông. Phong thủy của một quốc gia người ta đề cập tới khí sông khí núi, phong thủy của một thành phố đặc biệt quan trọng bởi các con đường bởi nó là yếu tố then chốt làm nên cấu trúc của một thành phố cũng như vai trò dẫn khí phân bổ tới từng khu vực trong nội đô, tới ngôi nhà hay từng công trình. Đối với một đối tượng nghiên cứu cụ thể như một ngôi nhà, cửa chính hay còn gọi là Đại môn là không gian giao tiếp đầu tiên, đó là nơi liên hệ giữa hai yếu tố nội và ngoại, ngoài ra nó còn là vai trò then chốt trong việc nạp khí cho ngôi nhà. Ngoài cửa chính các hành lang cầu thang và các cửa phòng, cửa hậu chính là những nơi có nhiệm vụ giúp điều tiết luồng năng lượng trong căn nhà của chúng ta. Vì thế, không thể bàn cãi vai trò cực kì quan trọng của cửa trong một ngôi nhà. Ngoài ra, cửa là một trong những yếu tố giúp định vị hướng nhà một yếu tố tối quan trọng theo Phong thủy cổ truyền.
Hướng nhà chung cư – những ngộ nhận chưa đúng
Kiến trúc hiện đại phát triển lên tầm cao cùng với đó là xu huớng tất yếu của đô thị hóa và loại hình nhà chung cư. Việc xác định hướng cho một ngôi nhà nói chung và căn hộ chung cư nói riêng là một việc cần làm và có ý nghĩa quan trọng theo Phong thủy. Nhiều người cho rằng, hướng của căn hộ chính là hướng cửa sổ, cửa ra ban công nơi có nhiều nắng, gió do khoảng không gian tiếp xúc trực tiếp ngoại cảnh. Qua thực tế và kinh nghiệm cá nhân, cách tính này không chính xác. Những quan niệm trên đã nhầm lẫn khi coi những yếu tố về nắng về gió hay không khí là yếu tố tạo nên “khí” trong Phong thủy. Thực tế không phải vậy. “Khí” được tạo thành bởi sự vận động và tương tác của con người với căn nhà. Một giả định đơn giản cũng chỉ rõ điều này. Nếu chúng ta bịt tất cả cửa sổ, sử dụng cửa chính thì vẫn có thể sinh hoạt được, dù thật bất tiện, khó khăn. Nhưng nếu chúng ta bịt cửa chính thì chắc chắn căn hộ đó không thể vận hành được. Vì vậy, hướng của căn hộ phải được tính bởi hướng cửa ra vào của căn hộ. Phong thủy xưa có câu “Khai môn lập huớng” chính là nói về ý này.
Bên cạnh việc xác định phương vị, thì việc xác định số đo hướng của căn hộ chung cư bằng la bàn là điều mà thực tế khác nhiều so với lý thuyết, đôi khi sử dụng la bàn để đo hướng đối với nhà chung cư lại cho ra những kết quả không dùng được! Nhà chung cư với những đặc thù do kết cấu thường rất nhiều lõi cốt thép với từ tính cao hơn các nhà biệt thự hoặc đất phân nền gấp nhiều lần, do vậy dễ làm sai lệch kim la bàn dẫn đến việc xác định hướng không chính xác. Kinh nghiệm là không chỉ đo ở nhiều vị trí khác nhau, cả ở trong lẫn bên ngoài căn hộ và toà nhà mà những công cụ như bản đồ vệ tinh là những công cụ không thể bỏ qua để quyết xác một thông số đầu vào chính xác.
Hướng cửa xấu có nên ở hay không ?
Trong suy nghĩ của phần đông những người có nhu cầu chọn đất làm nhà hay mua nhà xây sẵn, thường vẫn muốn biết hướng của miếng đất hay căn nhà ấy có hợp với tuổi của mình hay không và đôi khi bỏ qua những yếu tố khác. Với Phong thủy học chân chính đây là một quan niệm khá cứng nhắc. Hướng nhà chỉ là một trong rất nhiều yếu tố cần được quan tâm, xem xét. Bởi lẽ, hướng nhà có tốt nhưng không hay về cấu trúc bên trong, ngoại cảnh hay thời vận không tốt thì căn nhà đó cũng không phải đã chuẩn theo Phong thủy học. Bên cạnh đó, đối với căn nhà hướng nhà xấu thuật Phong thủy luôn có những phương án để hóa giải những bất lợi đó. Chẳng hạn như có thể sắp đặt được hướng bếp, hướng ban thờ, hướng giường ngủ tốt sẽ khắc chế được hướng nhà xấu. Hướng cửa chỉ là một trong ba yếu tố làm nên cái gọi là CHỦ-MÔN-TÁO là những yếu tố cần thiết và tối quan trọng trong Phong thủy. Xấu một thứ ta dùng các thứ khác để hóa giải. Phong thủy gọi là “đa cát chế thiểu hung” hay nói theo nghĩa hiện đại một người xấu chơi với một tập thể tốt… cũng sẽ thành tiến bộ! Rõ ràng trong quá trình chọn lựa nơi định cư không nên vì lý do “không hợp hướng” để rồi kén chọn quá đà mà bỏ lỡ những cơ hội để có một nơi an cư lạc nghiệp.
Chủ - Phòng ngủ chủ nhà
Có tới một phần ba cuộc đời con người trôi qua trong giấc ngủ. Giấc ngủ giúp chúng ta nghỉ ngơi, thư giãn và tái tạo lại nguồn năng lượng sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt nhọc. Không chỉ vậy, chiếc giường ngủ trong phòng còn là nơi gắn bó tình cảm vợ chồng nồng ấm, nơi khởi nguồn những giấc mơ nuôi dưỡng tâm hồn mỗi thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, cùng với lịch sử của môn Phong thủy từ hơn hai ngàn năm trước, và cho đến cả những năm đầu của thế kỉ thứ 21 vai trò và ý nghĩa của phòng ngủ không hề thay đổi. Nó được coi là yếu tố có quan hệ mật thiết tới sức khỏe của chủ nhân, thậm chí theo các phong thủy gia, nó còn có vai trò nhất định tới hưng, suy, thành, bại của con người. Do vậy việc sắp đặt không gian phòng ngủ luôn được coi trọng là thế để tạo nên một môi trường hoàn hảo cho sự thư giãn tối ưu nhất.
Hướng giường ngủ với khoa học hiện đại
Trong thuật Phong thủy, hướng và vị trí là hai yếu tố quan trọng hàng đầu. Phòng ngủ là không gian cần sự yên lành tất yếu phải tuân theo nguyên tắc bố trí ở những cung tốt và huớng tốt so với bản mệnh của gia chủ hay còn gọi là “tọa cát hướng cát”. Đối với hướng giường ngủ thì hiện nay có hai ý kiến khá khá mâu thuẫn người lấy hướng chân để tính Phong thủy, người chọn hướng đầu để tính cát, tính hung. Tuy nhiên, nếu xem xét toàn bộ cơ thể con người ta thấy rõ ràng ở đầu con ngưới ta luôn tập trung nhiều cơ quan quan trọng. Có thể kể ra như trung khu thần kinh, bách hội huyệt đều là những cơ quan trọng yếu của cơ thể và hệ thần kinh thì ảnh hưởng lớn thế nào đối với giấc ngủ. Do đó, việc nhìn nhận hướng giường trong Phong thủy với phương án tính hướng đầu giường sẽ hợp lý hơn cả.
Táo - Nhà bếp
Trong một ngôi nhà, gian bếp có vai trò rất đáng kể, đó không chỉ nơi diễn ra các hoạt động liên quan đến ăn uống, không gian bếp còn là nơi giao lưu, gặp mặt của các thành viên trong gia đình. Dưới góc độ Phong thuỷ, gian bếp tượng trưng cho tài lộc và cũng là nơi mang dưỡng khí cho gia đình, cổ nhân xưa có câu “Hoạ tòng khẩu xuất, bệnh tòng khẩu nhập” nên chuyện ăn uống hay khâu chế biến, nấu nướng mà cụ thể là tổng thể của một gian bếp toàn diện phải được coi trọng dẫu là thời kì nào, chế độ nào đều không đổi. Bếp quan trọng vậy do đó hướng bếp và vị trí bếp là những yếu tố then chốt để cấu thành nên tính của một gian bếp là cát hay hung vậy!
Hướng bếp – muôn hình vạn trạng cách hiểu
Xã hội hiện đại phát triển, những tri thức mới và công nghệ mới kéo theo nhiều kiểu bếp ra đời. Thơi xa xưa thầy Phong thủy với phuơng thức bếp than bếp củi, họ vẫn tính hướng bếp theo hướng của đường đưa nhiên liệu vào bếp. Có vẻ như tri thức của khoa Phong thủy vẫn chưa theo kịp tiến trình này của xã hội tân tiến. Những lý thuyết về đường đưa nhiên liệu thật khó có thể tìm ra hướng bếp đối với những trường hợp đường dẫn năng lượng là dây ga, nếu đường có uốn éo thì việc xác định đúng là nhiệm vụ bất khả thi. Từ đó khiến cho người muốn tìm hiểu về phong thủy cảm thấy rất lúng túng để tìm ra một hướng bếp đúng đắn cho mình. Một số quan niệm khuyên tính hướng bếp là hướng của nút vặn công tắc ga. Nhưng khi gặp trường hợp nút điều khiển nằm ngay trên mặt bếp hướng thẳng lên trời thì lại chưa tìm được lời giải thích hợp lý.
Để có được lời giải, trước hết chúng ta nên hiểu sự vận hành chính là quá trình nạp khí cho bếp. Trong Phong thủy, sự tương tác vận động, hay giao tiếp giữa con người với khu bếp tạo nên khí, bếp được nạp khí chính là do con người. Con người như vật thể sống truyền năng lượng cho căn bếp vậy. Vì vậy có thể coi hướng bếp là hướng nhận thao tác của người nấu, tức là hướng ngược lại với mặt người nấu. Nói cách khác, hướng bếp là hướng lưng của người nấu. Khi đã nắm bắt rõ khái niệm hướng bếp thì cho dù bếp thay đổi đến đâu, có hiện đại đến thế nào, ta vẫn có thể tìm ra hướng một cách dễ dàng.
Tọa cát hay tọa hung ?
Trong sách Bát trạch minh cảnh - một tác phẩm kinh điển và coi là sách gối đầu giường của các Thày Phong thủy cho rằng bếp nên “tọa hung hướng cát”, nghĩa là phải đặt ở vị trí xấu và nhìn ra hướng tốt. Tuy nhiên, quan niệm này hiện nay cần phải có những điểu chỉnh cho phù hợp với thời đại.
Từ xa xưa, con người ta thường sử dụng các nhiên liệu như rơm rạ, than, củi để đun nên khu bếp thường là không gian nhiều khói bụi, ô nhiễm. Điều này khiến cho bếp thường được đặt ở những vị trí xấu. Vì lẽ đó lý thuyết phong thủy cho rằng những thứ gì xấu, ô nhiễm nên đặt ở vị trí xấu đối với gia chủ để lấy xấu để chế ngự xấu hay còn gọi là “dĩ độc trị độc”!
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại công nghệ hiện đại và cả thói quen sống nữa khiến cho tính chất khu bếp đã thay đổi không còn như xưa nữa. Khoa học hiện đại và công nghệ tiên tiến đã khiến gian bếp trở nên sạch sẽ, gọn gàng và không còn ô nhiễm như xưa. Chính vì vậy, mà ngày nay bếp nên được đặt ở những phương vị tốt để nghênh đón điều lành sẽ hợp lý hơn, tức là bếp luôn phải “tọa cát hướng cát”. Ngoài ra có thể xử lí đường thoát mùi hay ống thông hơi cho nhà bếp khi thoát ra phía ngoài đặt tại những phương vị xấu hay cuối hướng gió để trừ khử cái xấu.
Dưới ánh sáng của khoa học hiện đại, môn Phong thủy ngày càng gần gũi và cụ thể hơn với cuộc sống con người. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ ứng dụng mà phải biết kế thừa và phát triển bộ môn khoa học cổ xưa này. Những yếu tố cũ kỹ và lạc hậu cần phải loại bỏ đồng thời cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những kiến thức mới để nâng cao tính ứng dụng của Phong thủy cũng như hoàn thiện hơn cho phù hợp với công nghệ, với thời đại. Phong thủy là một khoa học sinh ra trong lòng cuộc sống và vị cuộc sống nên nó cũng biến hóa và phải biến hóa sao cho phù hợp với xã hội. Đó chính tiêu chí lấy bất biến ứng vạn biến của khoa Phong thủy nói riêng và Dịch học nói chung.
Xem thêm